MẠNG WIFI HOÀN HẢO CHO CÔNG TRÌNH CỦA BẠN

Đối với các công trình quy mô gia đình, hoặc văn phòng cỡ nhỏ, nếu chỉ dùng bộ phát wifi thông dụng truyền thống thì luôn gặp phải tình trạng xuất hiện các “điểm chết” khi sử dụng. Tại những khu vực xa điểm phát wifi hoặc điểm bị che chắn bởi nhiều lớp kết cấu xây dựng, vật dụng lớn, sóng Wifi trở nên không ổn định hoặc thậm chí là không thể kết nối được. Chúng ta cùng tìm hiểu về các giải pháp mạng Wifi phù hợp để giải quyết các vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.

Phương án truyền thống: Lắp nhiều bộ phát Wifi

Phương án này phổ biến nhất, đặc biệt hay gặp với công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng. Mỗi tầng trang bị một bộ phát Wifi riêng lẻ (Access Point). Đây được xem là cách đơn giản và rẻ tiền nhất, dễ làm nhất. Nhưng gây phiền toái nhất khi liên tục gặp tình trạng gián đoạn kết nối khi chuyển vùng giữa các tầng. Cảm nhận thấy rõ nhất khi bạn đang thực hiện một cuộc gọi nào đó thông qua mạng internet.

Dùng Repeater

Sử dụng Access Point + bộ mở rộng sóng Repeater để tăng cường độ phủ sóng đến các “điểm chết” là cách đơn giản nhất. Bộ Repeater đơn thuần là thu sóng tại điểm đó từ AP trung tâm, rồi khuếch đại nó đến các vùng lân cận mà không thực hiện bất kỳ chức năng nào khác.

Ưu điểm :  Rẻ tiền vàLắp đặt nhanh gọn, đơn giản.

Nhược điểm :

  • Tốc độ mạng sẽ bị suy hao đáng kể khi qua bộ Repeater, khi Repeater đặt càng xa AP thì suy hao càng nhiều.
  • Không hỗ trợ Roaming (hoặc có rất ít loại có tính năng này nhưng giá thành cao hơn hẳn) dẫn đến việc khi chuyển vùng sẽ bị gián đoạn

Wi-fi Roaming

Thuật ngữ “Roaming” nghĩa là chuyển vùng. Wifi Roaming nghĩa là hệ thống Wifi có hỗ trợ chuyển vùng tự động giữa các điểm truy cập.

Giả sử bạn đang trong một vùng không gian rộng được phủ sóng Wifi Roaming, thiết bị của bạn đang kết nối đến điểm phát sóng gần nhất là Access Point  (AP) số 1. Khi bạn di chuyển trong khu vực này và rời xa dần điểm AP1 để đến gần điểm phát sóng AP2 , thiết bị của bạn sẽ tự động nhận diện ra việc thay đổi này và sẽ ưu tiên kết nối đến AP2 đang có cường độ mạnh lên  song song với duy trì kết nối AP1, sau khi xác nhận việc kết nối AP2 đã hoàn tất cả ổn định thì sẽ tự động ngắt kết nối với AP1 đang có cường độ kém hơn. Việc thực hiện kết nối này đảm bảo thiết bị của bạn sẽ luôn luôn online và không bị gián đoạn. Việc này có thể cảm nhận được rất rõ khi đang thực hiện các cuộc gọi Video trên thiết bị di động.

Ưu điểm:

  • Tất cả các IP đều được kết nối dây LAN từ nguồn cấp IP chính là Rounter/ Switch giống nhau nên tốc độ mạng không bị suy giảm khi Roaming giữa các AP.
  • Tốc độ kết nối ở mỗi vùng AP là tương tự nhau và không bị suy hao (khác với việc lặp lại/ mở rộng sóng).

Yêu cầu:

  • Tất cả các AP phải được cấu hình cùng SSID / Mã hóa / Password
  • Tất cả các AP phải cùng một mạng LAN để có thể giao tiếp với nhau.

Nhược điểm:

  •  Chi phí đầu tư khá cao
  • Cấu hình cũng khá phức tạp cho những người dùng phổ thông do phải cấu hình cho từng AP riêng lẻ.
  • Phải đi dây mạng  LAN đến các vị trí AP.

Wi-fi Mesh

Trong Tiếng Anh “Mesh” là lưới thép, với cùng nghĩa đó, Wifi Mesh ám chỉ để một mạng lưới Wifi được phủ bởi nhiều điểm tạo ra mạng lưới đồng đều và bao phủ toàn diện và hạn chế các “điểm chết”.

Hệ thống Wifi Mesh tương đối giống với hệ thống Wifi Roaming khi đều giải quyết được vấn đề chuyển vùng không gián đoạn. Tuy nhiên hệ Mesh có 1 số điểm khác quan trọng với hệ Wifi Roaming là:

  • Trong hệ Wifi Roaming gọi các điểm truy cập là AP, hệ Mesh gọi các điểm này là các nút (node).
  • Chỉ kết nối dây LAN đến thiết bị chính, các node phụ của hệ thống kết nối không dây với nhau (trừ 1 số dòng đặc biệt có thêm chế độ kết nối dây bên cạnh không dây).

Ưu điểm:

  • Cấu hình rất đơn giản cho cả những người dùng phổ thông khi chỉ cần cài đặt với node chủ, các node khác tự động setup theo.
  • Không phải đi dây LAN đến các vị trí node mở rộng, chỉ cần kết nối cho node chủ (trừ 1 số dòng đặc biệt).
  • Giao tiếp thông minh, và chủ động điều hướng kết nối nếu phát hiện có node nào đó đang sự cố để sang node khác gần nhất.

Nhược điểm:

  • Giá thành cao.
  • Có sự suy giảm tốc độ khi chuyển từ node chính sang các node phụ tiếp theo. 

KẾT LUẬN

Nhà ở riêng lẻ (dưới 100 m2):

Có thể dùng AP + Repeater để khắc phục “điểm chết”

Nhà ở riêng lẻ , Văn phòng quy mô nhỏ (100m2~500m2) có chung đặc điểm:

  • Số lượng thiết bị kết nối ít (dưới 100 thiết bị)
  • Yêu cầu thẩm mỹ cao
  • Hạn chế kéo dây LAN
  • Cài đặt và vận hành đơn giản

–>> Phù hợp với giải pháp hệ thống mạng Wifi Mesh.

>> Tham khảo thiết kế công trình sử dụng mạng Wifi Mesh tại đây.

Đối với các công trình quy mô lớn như Văn phòng cỡ lớn, bệnh viện, trung tâm thương mại, bệnh viện, công trình công cộng…. có đặc điểm chung:

  • Số lượng thiết bị kết nối lớn
  • Đòi hỏi tốc độ ổn định và tương đối đồng đều
  • Có sẵn đội ngũ kỹ thuật am hiểu để cài đặt và vận hành hệ thống.

–>> Phù hợp với giải pháp hệ thống mạng Wifi Roaming.

>> Tham khảo thiết kế công trình sử dụng mạng Wifi Roaming tại đây.